Chia sẽ BCDD lên mạng xã hội nhé !

Huế trong trí tưởng tượng

Huế trong ký ức lúc bé của tôi là những thước phim tài liệu chiếu trên tivi. Đa phần trong số đó là những phóng sự về cung đình Huế nên chính vì thế mà cứ mỗi lần nhắc đến Huế là tôi lại tưởng tượng ra những cung điện mang màu sắc phong kiến như Tử Cấm Thành của nhà Thanh bên Trung Quốc.

Kinh thành Huế – Nguồn: Internet

Vốn là một fan ruột của phim cổ trang Trung Quốc nên tôi rất mê vua chúa quan quân thời xưa nên dĩ nhiên tôi ước được một lần đến nơi họ đã sống để chiêm nghiệm lịch sử. Vậy là khi nghĩ về Huế tôi nghĩ ngay về Đại Nội của nhà Nguyễn cùng với lăng tẩm của các vua quan chứ không phải là chất giọng đặc biệt của người Huế hay nhã nhạc cung đình bên bờ sông Hương thơ mộng ra sao, cũng chã quan tâm con gái Huế với áo tím mộng mơ đẹp như thế nào.

Ấn tượng đầu tiên

Dịp tết 2020 khi liên tục bị hỏi những câu như người yêu đâu? lương tháng bao nhiêu? suốt 3 ngày tết. Tôi thấy rằng không nên lãng phí những ngày nghĩ để chỉ nghe những lời này, thế là tôi quyết định đi du lịch. Mà đi đâu ta? Đà Nẵng thì đi nhiều rồi. À ! hay là ra Huế, đúng rồi đây là cơ hội để thực hiện giấc mơ thuở tấm bé. Thế là bắt xe đi Huế.

Ôi thội mạ ợi ! Huệ đọn tội bặng nhựng cợn mựa lạnh têêê tại. Tôi hay càm ràm về hai mùa nóng và siu nóng của Saigon vậy thou chứ thực ra tôi rất iu cái khí hậu ấm áp của miền Nam và ghét cái lạnh khắc nghiệt của miền Trung lắm lắm. Nhưng không sao, tôi ra Huế là vì Đại Nội là để chiêm nghiệm lịch sử phong kiến của triều Nguyễn mà. Những cơn mưa Huế chẳng thể nào làm vơi đi sự háo hức trong tôi.

Mưa Huế – Nguồn: internet

Lần đầu đến cố đô, tôi thực sự bất ngờ vì Huế “buồn” hơn tôi tưởng. Khi còn nhỏ lúc xem tivi tôi thường hay nghe người ta hay nói là Hà Nội – Huế – Sài Gòn. Thế nên tôi nghĩ Huế cũng sôi động như Đà Nẵng, nhưng không ! Cố đô tiu điều hơn những gì tôi nghĩ, đã thế trời còn mưa mưa lất phất làm tôi buồn thêm. Nếu chỉ dùng một từ để diễn tả về Huế thì đó là từ TRẦM hay trầm tư. Chà ! nơi đây từng là kinh đô của Việt Nam mà…hmmm buồn nhỉ ! thế nhưng, tôi đến Huế là vì triều Nguyễn mà. Thôi tạm gác lại những nổi buồn, tôi tiến thẳng đến trung tâm tp. Huế và đóng quân ở khu phố Tây vì nơi này sôi động nhất.

Sau khi đã lo xong chỗ ở bé bé xinh xinh ở khu phố Tây nằm sâu trong một lối nhỏ quanh co, tôi đi Đại Nội ngay trong khi trời vẫn mưa lất phất như tô vẻ thêm những nét đợm buồn của cố đô cổ kính này.

Kinh thành Huế hiện ra trước mắt tôi không thể nào hoành tráng hơn. Trước mắt tôi là Ngọ Môn – một cửa chính của Hoàng Thành có bức trường thành rất dày với 3 cổng là cổng chính giữa (dành cho vua – ở giữa), hai cổng hai bên dành cho quan văn võ và hai lối đi bên ngoài cùng là dành cho binh lính và voi ngựa. Còn bên trên là lầu ngũ phụng.

Ngọ Môn

Ngọ Môn là nơi diễn ra những sự kiện lịch sử quan trọng như là nơi sướng tên các tiến sĩ đỗ đạt, nơi vua Bảo Đại đọc chiếu thoái vị và đây còn là nơi chứng kiến một vết nhơ rất lớn của lịch sử dân tộc khi tụi Pháp ngang nhiên đi thẳng qua cổng chính Ngọ Môn (cổng chỉ dành cho vua) vào tận điện Thái Hòa bắt vua Thành Thái đi đày dưới sự chứng kiến và bất lực của quan quân nhà Nguyễn.

Ngọ Môn

Đứng co ro dưới chiếc ô màu hồng mới mua trong cơn mưa không biết khi nào mới tạnh. Tôi chầm chậm bước qua cổng Ngọ Môn rồi đi qua một cây cầu khá xinh với cái cổng không thể hoàng gia hơn và hồ Kim Thủy đối xứng hai bên mang đậm dấu ấn phong thủy của thời xưa. 

Trước mắt tôi là một khoảng sân rộng và trước mặt là điện Thái Hòa – cung điện quan trọng nhất, nơi có ngai vàng của vua. Thật sự là tôi rất bất ngờ khi biết rằng các quan văn võ kể cả nhất phẩm đến tam phẩm cũng phải chầu ngoài sân chứ không được vào điện như bên nhà Thanh. Có lẻ điện Thái Hòa cũng tương đối nhỏ nên chỉ có các quan tứ trụ cũng như hoàng thân quốc thích mới được diện kiến.

Dĩ nhiên là tôi không có ý định review toàn bộ đại nội. Bạn đọc có thể tìm hiểu thêm tại đây . Với tôi thì review tới điện Thái Hòa là đủ vì phía sau là hậu cung mà tôi thì chỉ hứng thú với hậu cung nhà Thanh, còn hậu cung nhà Nguyễn thì chưa thấy có bộ phim nào ra hồn để thu hút khán giả Việt nên tôi cũng không biết nhiều và cũng không có ý định tìm hiểu thêm những thâm cung bí sử.

Một đoạn hành lang ở hậu cung

Đi dọc hành lang của hậu cung, tình cờ dừng bước tại một phòng có bán cafe. Mua một ly cafe rồi nghe cô bán cafe xinh đẹp tư vấn một hồi thì tôi quyết định sẽ đi thăm lăng vua Khải Định thay vì lăng vua Gia Long như dự định. Thường thì ai đẹp đẹp nói gì tôi cũng nghe :), nhưng mà lăng vua Khải Định đẹp và hoành tráng thiệt. 

Sau này khi xem lại trên youtube thì tôi thấy qua các đời vua thì lăng tẩm các đời vua sau đẹp đẽ và hoàng tráng hơn các đời vua trước. Ví như vua Gia Long và Minh Mạng chỉ cách nhau một đời thou mà độ hoành tráng lại chênh lệch trông thấy. Tới đời vua Khải Định thì ngành xây dựng của nhà Nguyễn đã phát triển cùng với việc vua Khải Định là một ông vua có cảm nhận về nghệ thuật tốt nên lăng của ông khá xa hoa, màu sắc và độc đáo. 

Lăng ở trên núi khá xa so với Đại Nội nếu đi taxi thì tầm 100k. Thế lăng khá cao ráo, đầu tựa sơn chân đạp thủy theo lối phong thủy chuẩn mực trong các thiết kế lăng mộ thời xưa nhằm đón vượng khí cho con cháu. Để lên được cổng chính chúng ta phải bước lên rất nhiều bậc thang. 

Ấn tượng đầu tiên là hai hàng quan quân và voi ngựa đứng chầu ở trước lăng mà tôi nghĩ ai cũng sẽ thích khi viếng thăm các lăng của các vua nhà Nguyễn như Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Khải Định. Kiến trúc lăng vua Khải Định nổi bật với nghệ thuật tạo hình sành xứ với thủy tinh (bên trong lăng) cho nên màu sắc được lưu giữ khá lâu, nhìn lung linh huyền ảo chứ không bị phủ bụi thời gian như những lăng mộ khác.

Chiêm nghiệm lịch sử

Cùng với chiếc ô xinh xắn mới mua, tôi đi khắp hoàng cung. Vừa đi vừa tưởng tượng về nơi này hơn trăm năm trước, chà ! nơi đây từng là nơi sinh sống của 13 đời vua nên có lẻ là tôn nghiêm lắm. Các vị ấy đâu ngờ rằng hơn trăm năm sau, hậu thế như tôi – một dân đen đúng nghĩa, lại có thể ung dung đi dọc đi ngang, ngắm nghía rồi chụp chọt các kiểu, đã thế tôi còn thầm phán xét công – tội của các đời vua. 

Tự nhiên tôi nghĩ đến cái máy thời gian của Doremon, giờ mà có nó là tôi có thể xuyên không về đây để tiện khám phá thì “chuẩn” đến vi khuẩn cũng phải gật gù. Lúc đó tôi sẽ về thời Gia Long để xem thử dung mạo vị chân mệnh thiên tử phước lớn mạng lớn này có gì đặc biệt mà tới 18 lần thoát chết trước nhà Tây Sơn. 

Có thể bạn đã biết Vua Gia Long cùng với vua Quang Trung là những người có công trong việc thống nhất hai đàng (trong và ngoài) đưa non sông về một mối mặc dù hai vị này là kỳ phùng địch thủ của nhau, quyết không đội trời chung thế nhưng giang sơn chỉ thuộc về một người, cuối cùng như chúng ta đã biết thì vua Gia Long mới là người viết tiếp lịch sử. 

Sau này các nhà sử học đã nhiều lần lật đi lật lại vấn đề về công trạng thống nhất đất nước thực sự thuộc về ai, còn đối với tôi thì công trạng thuộc về cả hai. Nguyễn Huệ có công rất lớn trong việc phá vỡ cuộc nội chiến kéo dài suốt 150 năm của vua Lê chúa Trịnh ở đàn ngoài và chúa Nguyễn ở đàn trong, đồng thời đập tan sự xâm lượt của quân Thanh ở phía bắc và quân Xiêm (Thái Lan) ở phía nam. Trong khi đó chín đời chúa Nguyễn đã có công trong việc mở rộng lãnh thổ Việt Nam từ Thanh Hóa đến tận mũi Cà Mau mà sau này Nguyễn Ánh và nhà Nguyễn đã tiếp tục xây dựng từ đống đổ nát do nội chiến gây ra và giữ gìn, phát triển để chúng ta có dãi đất hình chữ S như ngày nay. Hơn nửa, niên hiệu Gia Long của Nguyễn Ánh là sự kết hợp của thành Gia Định và Thăng Long cũng đủ nói lên cái tâm tầm của ông Vua lập quốc này. Đang suy nghĩ lung tung thì một người đàn ông Hàn Quốc đi ngang qua hắc xì một cái làm tôi giật mình và tỉnh táo hẳn, kéo khẩu trang lên cao xíu rồi tôi bước đi tiếp, tay trái nắm chặt hơn tí để đảm bảo rằng chiếc ô vẫn còn ở đó với mình. 

Nhà Nguyễn trãi qua tổng cộng đến 13 đời vua trong đó ở các đời vua đầu như Gia Long, Minh Mạng thì tung hoành bá đạo, làm trùm 1 phương đến đời Thiệu Trị thì còn đứng vững sang đời Tự Đức thì hơi loạng choạng còn về sau thì đứng hết nổi nên chuyển sang ngồi mà cụ thể là rơi vào tay Pháp. Trong đó có giai đoạn đầy biến cố “bốn tháng ba vua” trong lịch sử phong kiến Việt Nam mà dân gian hay gọi là “tứ nguyệt tam vương” . Do sự lấn át của quyền thần mà lần lượt vua Dục Đức, Hiệp Hòa và Kiến Phúc lần lượt chỉ làm vua trong 3 ngày, 4 tháng và 8 tháng. Còn các vua đời sau đều bị Pháp kiểm soát, hoặc bị cho đi đày.

Gia phả nhà Nguyễn – Theo wikipedia

Ngồi trên xe trở về khách sạn từ lăng vua Khải Định tôi thơ thẩn suy nghĩ về các đời vua, về những thăng trầm của nhà Nguyễn từ thời Gia Long lập quốc cho đến khi Bảo Đại thoái vị. Tôi thấy có đôi chút buồn cho nhà Nguyễn, buồn cho cố đô. Ơ nhưng mà khoan, vì mãi nghĩ về nhà Nguyễn mà tôi bị lạc mất chiếc ô bé bé xinh xinh mới mua hồi chiều. Giờ thì đến lượt tôi buồn cho chính mình :(, không còn cách nào khác tôi phải lội bộ vào khách sạn trong cơn mưa xuân lạnh cóng mà chã có ô dù gì. Huệ lạnh quạ Huệ ợi.

Nghia Nguyen – BCDD Blog