Bài viết này BCDD sẽ đi giải thích về môi trường dữ liệu chung hay Common Data Environment (CDE) một cách chi tiết nhất.
1. Thông tin trong ngành xây dựng
Trong lĩnh vực xây dựng thì thông tin là yếu tố quan trọng hàng đầu. Bởi vì tất cả các bên tham gia vào vòng đời của một dự án đều cần khai thác thông tin để sử dụng. Các bộ môn tham gia vào quá trình thiết kế cần trao đổi thông tin với nhau để làm việc đồng bộ. Nhà thầu thi công cần thông tin từ thiết kế để tiến hành xây dựng. Chủ đầu tư cần thông tin được bàn giao từ nhà thầu để tiến hành khai thác lợi nhuận. Ban quản lý công trình thì cần thông tin để tiếp nhận quản lý và vận hành công trình.
Nhưng trong thực tế, thông tin được trao đổi chồng chéo qua lại liên tục giữa các bên liên quan trong suốt một vòng đời của một dự án mà không theo một cấu trúc chung. Tính phối hợp kém và đặc biệt là rất khó tìm kiếm nên dẫn đến tình trạng trùng lặp thông tin, thiếu thông tin, thông tin không chính xác.

Việc trao đổi thông tin thường được sử dụng qua email giữa hai hay nhiều bên. Một nhà quản lý có thể nhận đến hàng trăm email mỗi ngày. Và rất khó khăn trong việc quản lý các thông tin trong các email đó. Tình trạng thường gặp nhất là khó khăn trong việc xác định thông tin nào là thông tin mới nhất. Hơn nửa không phải lúc nào các thành viên trong dự án cũng nhận được thông tin qua email. Do thiếu sót của người gửi hay tính bảo mật mà chỉ có các sếp mới nhận được các email đó.
2. Môi trường dữ liệu chung (CDE) là gì?
Chính vì sự phức tạp về mặt quản lý thông tin này mà nhu cầu về một nguồn dữ liệu chung là rất cần thiết. Nơi mà tất cả các bên tham gia vào dự án có thể truy cập vào một nguồn dữ liệu duy nhất. Thông tin được chia sẻ hiệu quả và chính xác nhất. Nguồn dữ liệu chung đó được gọi là CDE (Common Data Environment) hay môi trường dữ liệu chung.
Môi trường dữ liệu chung (CDE) là yếu tố quan trọng nhất là con đường huyết mạch đi xuyên suốt từ khâu thiết kế đến thi công cho đến khi quản lý vận hành công trình. Và thậm chí còn được sử dụng đến khi phá bỏ công trình. CDE là môi trường dữ liệu chung nơi thu thập thông tin, lưu trữ, phân phối và cập nhật theo tiến trình dự án. CDE giúp cho các thành viên dự án có thể cộng tác chia sẻ thông tin cho nhau dễ dàng mà không sợ sự trùng lặp hay thông tin thiếu chính xác.
3. Cây thư mục của dự án
Theo như sự quan sát và trải nghiệm của BCDD thì đối với các công ty nhỏ thì họ sẽ thiết lập một thư mục với cấu trúc cây thư mục được thiết lập rõ ràng theo tiêu chuẩn công ty hay tiêu chuẩn BIM quốc tế cho mỗi dự án. Và đặt cây thư mục đó trên server công ty nơi tất cả các thành viên dự án của công ty sẽ được IT cấp quyền truy cập. Sau đó họ sẽ tổ chức sắp xếp quản lý thông tin trên các thư mục đó như thông tin đầu vào (Input), thông tin đầu ra (Output), thông tin chia sẻ (Shared), thông tin đang thực hiện (WIP), thông tin lưu trữ (Archive)…
Theo đó, nhóm thiết kế và các bên liên quan của dự án sẽ làm việc trên thư mục WIP (work in progress). Phát triển dữ liệu hình học và phi hình học tại đây. Khi dữ liệu được phát triển đến một mức độ nhất định. Thì dữ liệu này sẽ được kiểm tra và sao chép sang thư mục Shared để chia sẻ cho các bên liên quan.
Vào cuối mỗi giai đoạn dự án, như thiết kế kỹ thuật (development design) chẵn hạn. Thì thông tin sau khi được chấp thuận sẽ được đóng gói và cho vào thư mục Publish. Khi các mốc dự án được đáp ứng thì thông tin được đóng gói và cho vào thư mục Archive để lưu trữ và đối chiếu khi cần.
Nhìn chung thì cũng tiện vì thông tin được sắp xếp ngăn nắp hơn. Dữ liệu của phần nào thì nằm trong thư mục riêng của phần đó một cách rõ ràng hơn. Tuy nhiên, nhược điểm lớn nhất của kiểu CDE này là người ngoài như đối tác khách hàng không truy cập được. Hoặc đối với các thành viên dự án của công ty thì phải lên công ty thì mới truy cập vào CDE được và điều này là vô cùng bất tiện.
4. Môi trường dữ liệu chung tĩnh
Thế nên đối với các công ty lớn hơn thì họ có một hub riêng. Một môi trường tĩnh trực tuyến với cấu trúc cây thư mục cũng được thiết lập chặt chẽ theo tiêu chuẩn công ty. Các bên liên quan sẽ chia sẻ, cập nhật thông tin như bản vẽ PDFs, file DWGs, mô hình Revit, biên bản cuộc họp hay hợp đồng… lên đây.
Bên nào cần tài liệu, thông tin nào thì chỉ cần truy cập vào hub rồi đăng nhập bằng tài khoản và mật khẩu được cấp. Sau đó vào các thư mục tương ứng mà lấy dữ liệu về. Cứ đến thời gian quy định, ví dụ như cuối mỗi thứ 6 hàng tuần, các bên liên quan sẽ tải lên phiên bản bản vẽ và mô hình mới nhất của mình cho các bộ môn khác cùng cập nhật. Nên đảm bảo các bên liên quan cập nhật được thay đổi mới nhất của nhau.
Với kiểu CDE này thì rõ ràng là thuận tiện hơn nhiều. Khi bạn có thể truy cập thông tin dự án từ xa. Đến cuối ngày làm việc mà bạn không có thời gian để đưa dữ liệu lên CDE thì có thể làm việc đó ở nhà.
5. Môi trường dữ liệu chung động
Tuy nhiên, để làm BIM chuyên nghiệp đòi hỏi các công ty phải đầu tư nghiêm túc hơn vào một CDE động. Một nền tảng điện toán đám mây cho phép người dùng có thể hợp tác làm việc, chia sẽ trên cùng một/nhiều file trung tâm. Xem dữ liệu từ PDF đến mô hình BIM 3D trực tiếp trên CDE mà không cần tải về cũng không phải cài đặt phần mềm như Revit, Navisworks…thì mới có có thể quan sát được mô hình.
Đối với CDE này người dùng có thể dễ dàng theo dõi những sự thay đổi trong quá trình thiết kế theo phiên bản một cách dễ dàng. Mà không cần phải duyệt cây thư mục vốn rất mất thời gian. Đồng thời với tính năng phân quyền giúp bảo mật thông tin tốt hơn nên việc của ai người ấy làm.
6. Các giải pháp CDE trên thị trường
Trên thị trường hiện tại thì có các CDE phổ biến như: BIM360/ACC, 4PROJECT, ASITE, ACONEX…trong số này thì có lẽ BIM360/ACC của hãng Autodesk là được sử dụng rộng rãi nhất tại Việt Nam. Do có chi phí ở mức chấp nhận được và một số ưu điểm nổi bật như không giới hạn về người dùng trên một dự án, hay không giới hạn về dự án cho mỗi license. BCDD có kinh nghiệm sử dụng BIM360/ACC nên sẽ chia sẻ nhiều hơn một chút về môi trường này.
7. BIM360/ACC
Hiện hãng Autodesk phát hành BIM360 có hai thành phần chính là:
- Phần tích hợp với Revit: cho phép truy cập vào mô hình được lưu trữ trên đám mây để có thể mở, chỉnh sửa và sửa đổi.
- Phần web: cho phép cấp quyền truy cập tệp, xem tệp (thông qua trình duyệt web), cũng như một số công cụ quản lý.
Cùng với 4 mô-đun chính bao gồm:
7.1 BIM360 Docs (tương đương với BIM Collaborate)
Mục đích chính của mô-đun này là để quản lý tài liệu. Người dùng có thể lưu trữ nhiều định dạng tệp trong mô-đun này mà không có giới hạn về dung lượng hay số lượng tệp. BIM360 Docs cung cấp công cụ để người dùng có thể xem, markups, thêm ghi chú…Ngoài ra BIM360 Docs còn cung cấp dashboard và các công cụ phân tích nhiều mặt khác nhau của dự án để có bức tranh tổng quan về dự án.
7.2 BIM360 Design (tương đương với BIM Collaborate Pro)
Mô-đun này được dùng khá phổ biến trong các văn phòng thiết kế. Mục đích chính của mô-đun này là để các bộ môn trong một dự án có thể hợp tác làm việc đồng bộ với nhau. Mặc dù BIM360 có thể lưu trữ nhiều định dạng tệp khác nhau. Nhưng ở thời điểm hiện tại thì chỉ hỗ trợ cho phần mềm Revit trong việc phối hợp các bộ môn làm việc với nhau.
Trong quá trình thiết kế thì các nhóm thiết kế sẽ làm việc độc lập với nhau. Sau đó khi đến một mốc thời gian được quy định thì sẽ đem các mô hình cập nhật lại với nhau để chia sẻ. BIM360 Design cung cấp công cụ (Design Collaboration Service) cho quy trình cộng tác này để quá trình này được diễn ra thuận lợi và tránh những sự nhầm lẫn.
7.3 BIM360 Coordinate
Mô-đun này mang tất cả các mô hình: kiến trúc, kết cấu, cơ, điện, nước lại với nhau và kiểm tra xung đột, phát hiện trước các lỗi thiết kế. Tránh mất thời gian và tiền bạc khi tiến hành xây thực trên công trường.
7.4 BIM360 Build
Mô-đun này dùng cho công trường, cung cấp công cụ để quản lý trao đổi thông tin giữa các nhà thầu, quản lý sự thay đổi. Ngoài ra còn thu thập thông tin tại hiện trường để theo dõi tiến độ xây dựng và báo cáo mọi vấn đề phát hiện được.
Nếu thấy bài viết này hữu ích, hãy cân nhắc việc follow BCDD tại đây
Bài viết do admin 1 Nghia Nguyen và cộng sự biên soạn.
Xem thêm bài viết:
- Thiết lập môi trường dữ liệu chung (CDE)
- Tiêu chuẩn và phần mềm BIM hiện hành
- Quy trình phối hợp BIM đơn giản
- Phối hợp BIM (BIM Coordination) là gì?
- LOD là gì?