Chia sẽ BCDD lên mạng xã hội nhé !

Tiêu chuẩn BIM giúp cho các bên tham gia dự án có những góc nhìn chung nhằm giúp hợp tác tốt hơn, sản phẩm đồng bộ hơn. Phần mềm BIM là yếu tố giúp cho công nghệ BIM trở nên hiệu quả và tối ưu hơn cách làm việc truyền thống.

1. Các tiêu chuẩn BIM, hướng dẫn BIM hiện hành

BIM đại diện cho một quy trình làm việc mới trong ngành xây dựng với sự hỗ trợ của công nghệ. Mà quy trình thì có rất nhiều loại tùy theo loại hình dự án, các công ty, tổ chức hay tùy vào mỗi quốc gia với mức độ áp dụng BIM khác nhau. Vì sự đa dạng đó làm nhiều người làm BIM cảm thấy bối rối và không có được góc nhìn chung.

1.1 Tiêu chuẩn BIM quốc tế

Chính vì lẽ đó các tiêu chuẩn BIM ra đời. Tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế (International Organization for Standardization), đã phát triển ISO 19650 để hỗ trợ quá trình áp dụng BIM trên phạm vi toàn cầu bằng cách thiết lập một số quy trình chung với mục tiêu chung là các bên liên quan tham gia dự án để có thể cộng tác hiệu quả hơn. Hiện tại thì ISO đã xuất bản hai phiên bản của tiêu chuẩn quốc tế ISO 19650 là:

BS EN ISO 19650-1: Tổ chức thông tin về các công trình xây dựng – Quản lý thông tin bằng cách sử dụng mô hình thông tin tòa nhà – Phần 1: các khái niệm và nguyên tắc.

BS EN ISO 19650-2: Tổ chức thông tin về công trình xây dựng – Quản lý thông tin bằng cách sử dụng mô hình thông tin tòa nhà – Phần 2: Giai đoạn bàn giao tài sản.

1.2 Hướng dẫn áp dụng BIM – Việt Nam

Ở Việt Nam thì ở thời điểm hiện tại vẫn chưa có tiêu chuẩn BIM mà thay vào đó chúng ta chỉ có hướng dẫn chung áp dụng mô hình thông tin công trình BIM (thay thế cho hướng dẫn tạm thời áp dụng BIM trong giai đoạn thí điểm.)

Nội dung chính của hướng dẫn tạm thời nhằm phác thảo một cách tổng quát về sản phẩm, quy trình, các nội dung cơ bản để triển khai áp dụng BIM trong giai đoạn thí điểm. Còn hướng dẫn chung thì cập nhật, làm rõ thêm một số nội dung liên quan đến trình tự triển khai áp dụng BIM trong dự án đầu tư xây dựng, hướng dẫn lựa chọn nội dung áp dụng BIM, môi trường dữ liệu chung (CDE), các yêu cầu trong quá trình tạo lập mô hình và các biểu mẫu hồ sơ Yêu cầu về thông tin trao đổi (EIR) và Kế hoạch thực hiện BIM (BEP).

Một số nội dung chính được đề cập đến trong hướng dẫn chung áp dụng mô hình thông tin công trình (BIM) như sau:

Phần 1: Hướng dẫn chung

  • Áp dụng BIM trong quá trình đầu tư xây dựng
  • Tiến trình tổng quát triển khai áp dụng BIM
  • Các chủ thể tham gia quá trình áp dụng BIM trong dự án
  • Lựa chọn nội dung áp dụng BIM

Phần 2: Chuẩn bị áp dụng BIM

  • Tiến trình chuẩn bị áp dụng BIM
  • Hồ sơ mời thầu/Hồ sơ yêu cầu
  • Xây dựng kế hoạch thực hiện BIM
  • Chi phí áp dụng BIM

Phần 3: Thực hiện áp dụng BIM

  • Tiến trình thực hiện áp dụng
  • Môi trường dữ liệu chung
  • Công tác chuẩn bị thực hiện cho nhóm dự án
  • Tạo lập mô hình thông tin công trình
  • Kiểm tra và nghiệm thu mô hình của chủ đầu tư
  • Lưu trữ mô hình thông tin công trình và đánh giá kết quả

Ngoài hướng dẫn chung thì còn có hướng dẫn chi tiết áp dụng mô hình thông tin công trình (BIM) đối với công trình dân dụng và hạ tầng kỹ thuật đô thị do ban chỉ đạo BIM biên soạn, bộ Xây Dựng công bố. Hiện tại thì hai hướng dẫn trên đã chính thức phát hành.

2. Phần mềm BIM phổ biến cho doanh nghiệp

Phần trình bày dưới đây có lẽ là câu trả lời cho câu hỏi của nhiều người khi mới tiếp xúc với BIM: “Liệu BIM có phải là Revit hay không?”. Như đã đề cập ở các phần trước BIM được cấu thành bởi bốn yếu tố chính 3P’s (People, Process, Policies) và 1T(Technology). Trong đó yếu tố công nghệ thay đổi hoàn toàn cách con người trong ngành kiến trúc – xây dựng làm việc. Hình bên dưới liệt kê các phần mềm BIM đang được sử dụng hiện nay trong suốt một vòng đời của dự án áp dụng BIM.

Theo như hình này chúng ta có thể thấy phần mềm Autodesk Revit (màu xanh, nằm ở chính giữa bức hình) chiếm một phần nhỏ trong tổng thể bức hình do đó nếu nói rằng BIM chính là Revit là sai hoàn toàn mà nên nói là Revit là một phần mềm được dùng phổ biến trong dự án áp dụng BIM. Ngoài Revit ra thì còn vô số các phần mềm khác mỗi phần mềm góp một phần nhỏ tạo ra bức tranh BIM, duy nhất chỉ có CDE (ngay bên dưới các giai đoạn của dự án) là trục đường xuyên suốt chạy từ đầu đến cuối.

Các phần mềm trong quy trình BIM xuyên suốt các giai đoạn

Sau đây BCDD sẽ trình bày các phần mềm rất mạnh mẽ, được sử dụng trong các doanh nghiệp áp dụng BIM tại Việt Nam mà những người mới muốn theo đuổi con đường BIM có thể tham khảo.

2.1 Autodesk Revit

Rõ ràng Revit của hãng Autodesk hiện là phần mềm được sử dụng rộng rãi nhất hiện nay. Revit là công cụ tạo dựng mô hình cho các bộ môn kiến trúc, kết cấu, MEP, facade, landscape, nội thất, civil… đáp ứng tất cả các giai đoạn của dự án BIM. Bên cạnh đó Revit cũng là một phần mềm phối hợp BIM mạnh mẽ nhất hiện nay cho phép các bên phối hợp làm việc và tương tác để trao đổi thông tin dễ dàng.

2.2 Archicad

ArchiCAD là một phần mềm 3D BIM với mục đích chính là thiết kế và mô hình hóa. ArchiCAD cực kỳ phổ biến trong lĩnh vực thiết kế kiến ​​trúc. Tất cả các tính năng của ArchiCAD đều được thiết kế để hữu ích cho mục đích thiết kế nhất có thể, bao gồm cả tính thẩm mỹ và phần kỹ thuật của nó.

2.3 Rhino

Là một công cụ mô hình hóa 3D mạnh mẽ cho kiến trúc sư, kỹ sư dựa trên nền tảng NURBS (non-uniform rational basis spline). Rhino có các công cụ để tạo và chỉnh sửa một số loại đối tượng khác nhau như: Point, Curve, Surface, Polysurface, Solid, Mesh, Polymesh

2.4 Navisworks

Một phần mềm quản lý mô hình BIM thường dùng để review mô    hình BIM, quản lý xung đột, va chạm bằng cách giúp bạn phát hiện các vấn đề thiết kế, lập tiến độ 4D, bóc tách khối lượng…

2.5 BIM360

BIM 360 là một dịch vụ điện toán đám mây của Autodesk dựa trên Amazon Web Services dành cho các mô hình Revit, hỗ trợ chia sẻ công việc. Theo đó các mô hình trung tâm (central model)  sẽ được lưu trữ trên BIM 360 thay vì trên server và điều này cho phép các bên liên quan có thể truy cập mô hình từ bất cứ nơi nào có internet. Các lợi ích chính của BIM 360 là cải thiện khả năng phối hợp làm việc, chia sẻ mô hình cũng như khả năng xem các mô hình và bản vẽ trên nền tảng web mà không cần phải mở Revit.

2.6 Dynamo

Dynamo là ngôn ngữ lập trình trực quan mã nguồn mở cho thiết kế. Dynamo cho phép lập trình bằng cách ghép nối các nodes có sẵn một cách dễ dàng và tự động hóa mà không cần phải học “code” theo kiểu truyền thống. Cách hoạt động của nó là kết nối các nodes (đóng gói sẵn) lại với nhau để đạt được mục tiêu mong muốn. Mặc dù phương pháp này không mạnh mẽ như tạo một add-in trong Revit thông qua Revit API, nhưng nó đòi hỏi ít thời gian hơn đáng kể và kiến ​​thức lập trình cụ thể để thực hiện.

2.7 Grasshopper

Cũng tương tự như Dynamo, Grasshopper cũng là một ngôn ngữ lập trình trực quan cho phép người dùng can thiệp sâu vào Rhino, Tekla (trong khi Dynamo hỗ trợ mạnh cho Revit, Civil 3D) để giải quyết những vấn đề về dữ liệu và hình học phức tạp.

2.8 BIM Track

BIM Track là một nền tảng cộng tác BIM giúp quản lý clashes dựa trên nền tảng web dùng cho việc  phối hợp BIM và quản lý các vấn đề thiết kế.

BIM Track cung cấp thông tin cần thiết mà bạn cần để giải quyết các vấn đề phối hợp như ai sẽ giải quyết nó? Khi nào nó cần được chỉnh sửa?

Với khả năng tương tác đa nền tảng, BIM Track tương thích với hầu hết các phần mềm BIM phổ biến như Revit, Tekla, Archicad Navisworks, Solibri, Autocad…

Nền tảng web của BIM Track rất phù hợp với bất kỳ bên liên quan nào không có hoặc không cần phải cài đặt các phần mềm BIM như chủ đầu tư, thầu phụ…

Với BIM Track, bạn chỉ cần nhấp vào “View in Model” trong Revit, Navisworks, AutoCAD, Tekla hoặc trình xem web của BIM Track và bạn sẽ được đưa trực tiếp đến vị trí của clash.

Nếu thấy bài viết này hữu ích, hãy cân nhắc việc follow BCDD tại đây

Bài viết do admin 1 Nghia Nguyen và cộng sự biên soạn.

Xem thêm bài viết: